Từ trước đến nay, chúng ta vẫn nghĩ ăn nhiều mỡ động vật sẽ gây hại cho sức khỏe nên dùng dầu ăn để thay thế. Nhưng hiện nay lại có một số...
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn nghĩ ăn nhiều mỡ động vật sẽ gây hại cho sức khỏe nên dùng dầu ăn để thay thế. Nhưng hiện nay lại có một số ý kiến trái chiều. Vậy ta cùng tìm hiểu thật ra dầu ăn hay mỡ lợn độc hại hơn?
1. Mỡ lợn có thực sự là xấu 100%?
Ăn nhiều mỡ động vật sẽ dễ mắc các bệnh gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch, béo phì... tuy nhiên mỡ lợn không phải xấu 100%.
Theo BS Bạch Mai, báo Sức khỏe đời sống, trong mỡ động vật có nhiều chất cholesterol cần thiết cho cấu trúc tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh. Mỡ tham gia tạo nên màng tế bào thần kinh, tham gia vào một số men chuyển hóa trong cơ thể và đặc biệt là nội tiết tố sinh dục, tuyến thượng thận... nên trẻ đang tuổi lớn và người ở tuổi trung niên nên ăn thịt, cá có thêm một chút mỡ. Nếu chỉ dùng dầu ăn mà không dùng mỡ thì chức năng này trong cơ thể sẽ bị suy yếu.
Vì vậy, cần phải kết hợp sử dụng cả dầu ăn và mỡ, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
2. Dùng dầu ăn như nào thì tốt cho sức khỏe?
Dầu ăn có nhiều loại khác nhau. Có loại chứa ít axít béo no, có loại chứa nhiều. Khi mua, bạn nên chọn loại chứa axit béo không no vì loại này có lợi cho sức khỏe hơn.
Để nhận biết chỉ cần cho dầu ăn vào ngăn mát tủ lạnh, nếu dầu đông đặc tức là chứa nhiều axit béo no, loại dầu này nên dùng để xào, rán. Dầu ăn giữ nguyên trạng thái khi để trong tủ lạnh (dầu ô liu, dầu hạt cải…) nên dùng trong các món ăn tươi (rau xà lách trộn, trái cây trộn, cho vào bát cháo sau khi nấu xong) để giữ được đầy đủ thành phần của các axit béo chưa no.
Axit béo không no dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao, vì vậy không nên dùng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần, không tốt cho sức khỏe và tăng nguy cơ gây bệnh ung thư.
Cách sử dụng kết hợp dầu ăn và mỡ: Với món xào thì dùng mỡ phi hành cho thơm rồi cho rau củ vào xào chín tới, nêm gia vị, tắt bếp rồi mới trộn thêm một chút dầu ăn.
3. Dầu ăn độc hại hơn mỡ lợn hay không?
Giáo sư Martin Grootveld đến từ Đại học De Montfort (Anh) khám phá ra rằng, việc chế biến món cá với dầu ngô hoặc dầu hướng dương chứa lượng aldehyde độc hại cao gấp hơn 200 lần so với ngưỡng giới hạn an toàn hàng ngày theo tiêu chuẩn quốc tế. Aldehyde có liên quan đến bệnh tim, ung thư, các dị tật thai nhi, chứng viêm, loét dạ dày và cao huyết áp.
Theo đó, một số loại dầu thực vật bấy lâu nay được xem là tốt cho sức khỏe sẽ có phản ứng hóa học và sinh ra chất độc hại khi được đun nấu ở nhiệt độ cao. Trong khi đó, dùng mỡ lợn, bơ hoặc dầu dừa sẽ tránh được nguy cơ này.
Cũng theo Giáo sư Martin Grootveld, hiện không có nhóm bệnh đã biết nào không có liên quan đến các chất aldehyde độc hại. Trước hết, cần tránh ăn thực phẩm chiên/rán càng nhiều càng tốt.
Thật ra, mỗi loại dầu thực vật đều có một ngưỡng nhiệt độ của mình mà nếu vượt qua, chúng sẽ bị cháy và sản sinh ra những chất không tốt cho sức khỏe con người. Bạn chỉ cần sử dụng kết hợp mỡ động vật và dầu ăn, dùng dầu ăn chứa axit béo no để chiên rán xào còn dầu ăn chứa axit béo không no cho những món ăn tươi là tránh được nguy cơ mà GS Martin Grootveld nhắc đến.
Tuy nhiên, vì sức khỏe, bạn vẫn nên hạn chế các món chiên rán và quá nhiều dầu mỡ. Đặc biệt, khi sử dụng những loại dầu ăn được khuyến cáo là tốt cho sức khỏe như dầu olive, dầu hạt cải... bạn nên lưu ý mua đúng sản phẩm uy tín, chất lượng.